Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013



Chửi người ta là cốt để người ta phải tức giận và nổi xung lên. Kiểu chửi mắng gây ồn ào, lấy thịt đè người vừa thiếu văn hóa lại vừa không tạo được “hiệu quả” như mong muốn của người chửi.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam đã từng có một cuộc thi chửi để tìm hiệu quả cao nhất. Đó là chuyện của Ba Giai và Tú Xuất. Giai thoại rằng: “Ba Giai và Tú Xuất đều cho mình là tay cao thủ trong chuyện chửi xỏ xiên thiên hạ, không ai chịu kém ai. Thế nên để phân tài cao thấp, Ba Giai và Tú Xuất thi chửi thiên hạ xem ai là người bị thiên hạ chửi nhiều hơn. Tú Xuất là tay đanh đá nên đã từng chửi nhau 7 ngày với một bà hàng nước và giành chiến thắng nên rất tự tin. Tú Xuất chửi một hồi nhưng chỉ được chục người đáp lại vì không ai dại “dây với hủi”. Nhưng Ba Giai, với sự thâm trầm của mình, đi ra bến đò nhằm lúc đò đông mà rủa móc là đò sắp đắm. Không cần biết trên bờ là ai, cả trăm cái miệng đều chửi Ba Giai. Tú Xuất phục Ba Giai tài chửi hơn mình".
Chủ quán chửi có duyên
Chửi thề có “thương hiệu” là chị Ngọc Hiệp chủ cái quán cùng tên, chuyên bán hải sản, ở xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Trước khi mở miệng nói một câu, chị thường đệm hai chữ “Đ. mẹ!”. Song giọng chửi của chị thật trong trẻo, hồn nhiên, luyến láy chứ không hề có ác ý. Nhiều khách quen còn cho đó là lời... mắng yêu. Chuyện chị Hiệp chửi thề ở Bến Tre đã trở thành... giai thoại. Một quan chức huyện Bình Đại gọi điện đến quán chị đặt trước mấy món ngon. Bắt điện thoại, nhận ra giọng “quan trên” chị nhỏ nhẹ thỏ thẻ: Dạ quán Ngọc Hiệp đây! Anh muốn dặn trước món gì?- Phải quán Ngọc Hiệp hôn?- Dạ phải!- Không tôi muốn gặp bà Hiệp chửi thề kia, giọng này lạ hoắc.- Đ.M nó đây cha nội! Đ.M cha muốn ăn gì đây tui mần cho?- Ừ phải rồi! Đúng bà Hiệp chửi thề rồi! (vị quan chức này vỗ đùi rõ to và cười ha hả).
Một anh bạn cũng ở Bến Tre, ghe chị chửi hoài nên... ghiền. Mỗi lần ghé quán chị ăn là anh kiếm chuyện chọc cho chị chửi càng nhiều thì anh ăn càng ngon miệng. Ví như: Bà có bắp trâu nhúng mẻ hôn? - Đ.M cha ngu còn hơn trâu! Cua gạch óc nóc, vàng lườm không chịu ăn lại đòi trâu.
Nếu có dịp về huyện Bình Đại, bạn thử hỏi bà Hiệp chửi thề với cánh xe ôm, nhân viên cây xăng, người bán vé số... ai cũng có thể chỉ đường bạn đến ngay quán Ngọc Hiệp để được... nghe chửi.
Tấn Tới
Việc chửi thi mồm to chỉ là chuyện "võ biền". Nói móc mới là nghệ thuật cao nhất của chửi, khiến người nghe phải phát điên và có khi … qua đời. Trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Khổng Minh là bậc thầy chửi móc nên dạy quân sĩ móc Chu Du là: “ Chu Du mẹo giỏi yên thiên hạ, đã mất phu nhân lại thiệt quân”, Du nghe xong khí uất đầy ruột, thổ huyết sau đó bệnh nặng mà chết. Khi Khổng Minh sang khẩu chiến với quần nho của Giang Đông, các bên cũng nói móc nhau để tạo thế trên bàn ngoại giao. Mưu sĩ Giang Đông nói: “Lưu sứ quân từ khi có tiên sinh đánh đâu thua đấy”, Khổng Minh móc lại: “Cái chí của đại bàng thì bọn sẻ biết thế nào được”. Nhưng Khổng Minh cũng chưa phải là người nói móc đầu tiên ghi trong chuyện Tàu. Thời Xuân Thu, Án Anh, thừa tướng nước Tề khi sang Sở bị tướng Sở bắt chui lỗ chó vào thành thì chửi móc luôn: “Đi sứ nước người thì vào cửa người, đi sứ nước chó thì vào cửa chó”. Người Sở căm tức nhưng không làm gì được.
Chẳng cứ quan văn mà quan võ cũng nói móc nhau trước trận để khiến đối phương tức điên lên. Trong trận Trương Phi đại chiến Mã Siêu (Tam Quốc diễn nghĩa), Phi múa mâu tự giới thiệu theo đúng bài: “Ta là Trương Dực Đức người nước Yên”. Mã Siêu nói móc luôn: “Nhà tao đời đời làm khanh tướng, đâu biết đến loại thất phu quê kệch như ngươi”. Trương Phi vốn xuất thân từ nhà bán thịt lợn, bị nói móc dòng dõi gia đình thấp hèn nên nổi điên ngay.
Đó là trong tiểu thuyết, còn đời sống hằng ngày, chuyện nói móc nhan nhản. Nó không thô như chửi to tiếng nhưng lại làm người nghe phải đau vì mỗi câu, mỗi từ như cứa vào nỗi đau của người khác. Hai nhà hàng xóm cãi nhau, một bà chửi sang luôn nhà bên kia: “Tao không chửi mày mà cho con tao sang chửi mày”. Bà kia vốn mặc cảm muộn chồng nên bị đối thủ chửi như vậy thì cứng họng nuốt nước mắt vào lòng. Không thể đỡ nổi với kiểu chửi móc thâm như thế. Nhiều khi để tạo sự uy hiếp cho đối thủ, cao thủ chửi móc không ngại lôi nỗi đau từ đời nảo đời nào của đối thủ ra bêu riếu. Vì những điều bị biêu riếu là sự thật nên đối thủ chỉ còn nước chào thua.
Trên mạng internet hiện giờ, dù là thế giới ảo nhưng cũng có vô số cao thủ chửi móc tại nhiều diễn đàn. Gặp một vấn đề tranh luận, thấy người kia sai một chút về kiến thức thì sẽ bị móc ngay: “Trình độ như chú không đáng để bàn chuyện với anh” hoặc “Chú nên về nhà đọc sách 10 năm rồi quay lại tranh luận với anh tiếp”. Không có một từ văng tục trong câu chửi nhưng người nghe khí uất đầy ruột chỉ muốn cầm bàn phím mà đập vào màn hình. Nếu trả đũa chửi lại trên diễn đàn thì sẽ bị admin khóa nick ngay. Trò chơi kết thúc, cao thủ chửi móc sẽ ngồi một góc cười rằng: “Trình độ tranh luận như thế thì non lắm”.
Chửi như hát thì sao mà cấm!
Hồi tháng 12 năm ngoái, Telegraph cho biết một nhóm nghị sĩ Nga đã đệ trình một dự luật, quy định người nào chửi thề nơi công cộng sẽ bị phạt từ 15 đến 45 USD. Quy định trên vốn sẵn có ở Belgorod của Nga. Được biết cảnh sát ở nơi này sẽ phạt ngay lập tức những người chửi thề tại khu vực công cộng từ 15 đến 45 USD. Đặc biệt những ai văng tục trước mặt trẻ em thì sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất. Liệu dự luật trên có được thông qua để trở thành luật của toàn nước Nga hay không thì còn phải chờ. Riêng ở ta, cho tới nay vẫn chưa có dự luật nào tương tự như thế. Phải chăng, vì trong tiếng chửi của người Việt còn chất chứa bao yêu thương và sự âu yếm thân tình. Các chị, các mệ ở Huế mỗi khi ném câu “mả cha mi” hay “mi là đồ con tinh”… vào mặt bọn trẻ, thì hầu hết đó không phải là ý chửi mà phải gọi là “mắng yêu”. Thậm chí khi nghe người lớn chửi mình như thế, đám trẻ con cũng tít mắt mà cười, nũng nịu chứ đâu có giận dỗi chi. Thế nên nếu đem hình phạt như ở vùng Belgorod nước Nga đề cập ở trên áp dụng cho người dân Huế thì coi như thua.
Chưa hết, người dân cố đô còn truyền miệng nhau câu chửi “Đồ mi là đồ mi phá, bố mi về là bố mi la” nghe cứ y như hát nhạc... Trong trường hợp này, chửi mà nghe hết sức dễ thương, người bị chửi thấy khoái thì luật nào cấm cho được.
Có điều lạ là nhiều câu chửi của người Huế thường hay bắt đầu bằng chữ “đồ”. Cảm giác như người ta dùng chữ “đồ” để làm giảm nhẹ cái từ chính thể hiện ý chửi. “Mi là đồ heo”, nghĩa là “đồ heo” chứ không hoàn toàn là “heo”. Hoặc khi muốn chửi mà chưa nghĩ ra từ để chửi cho sướng miệng, người ta chọn cách lấp lửng: ‘cái đồ, cái đồ…’. Còn cái đồ gì gì thì tự hiểu, nói chung là "tao đang muốn chửi mi".
Đây cũng là một đặc điểm chung của nhiều nơi thuộc miền Trung chứ không riêng gì Huế.
Ngôn ngữ chửi bới trong tiểu thuyết kim dung
Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung xây dựng thế giới của bọn hào sĩ giang hồ. Các nhân vật này sống trên đường đao mũi kiếm, ít được học hành, lại ỷ mình có chút võ công cho nên họ ăn nói rất lỗ mãng. Họ chửi bới kẻ thù, chửi bới người khác rất tự nhiên. Ngôn ngữ chửi bới đối với họ đã trở thành quán tính đến nỗi ta có thể nói không nghe tiếng chửi bới thì họ không còn là hào sĩ giang hồ.
Thông thường, bọn hào sĩ giang hồ chửi người khác bằng những cụm từ quân rùa đen, phường chó đẻ, bọn mặt dơi tai chuột, bọn trôi sông giạt chợ, quân chó lộn giống, bọn mèo què…Đàn ông thì tự xưng là “lão gia, lão tử”. Phụ nữ thì tự xưng là “lão nương” mặc dù họ chỉ mới vài ba chục tuổi. Nàng Khang Mẫn trong Thiên Long bát bộ chửi hương hồn chồng mình là Mã Đại Nguyên: “Mã Đại Nguyên, ngươi đừng làm ma nhát quỷ. Lão nương không sợ ngươi đâu”.
Giận lên, bọn hào sĩ giang hồ chửi tưới hạt sen, không tha một ai hết. Các nhà sư bị họ chửi là bọn trọc đầu, thầy chùa thối tha, thầy chùa chết đâm. Các đạo sĩ tu theo Đạo giáo của các phái Võ Đang hay Toàn Chân bị chửi là bọn lỗ mũi trâu. Minh giáo (Manicheisme - Ma Ni giáo, một tôn giáo đứng đắn bắt nguồn từ Bái Hỏa giáo) bị họ tước bỏ chữ Ni, chỉ còn Ma giáo (đạo thờ ma). Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga Mi (Ỷ thiên đồ long ký) mở miệng ra là chửi là dâm tặc Ma giáo.
Tuy nhiên, kẻ chửi bới sáng tạo nhất, ngôn ngữ mới lạ nhất là Vi Tiểu Bảo, công tước của triều Thanh. Hắn xuất thân từ kỹ viện thành Dương Châu, lại được vào tu nghiệp trong hoàng cung Thanh triều. Mà hoàng cung và kỹ viện là hai nơi trá ngụy nhất trên đời nên Vi Tiểu Bảo được coi là bậc thầy của nghề chửi bới.
Hơn tất cả mọi người, hắn dám chửi thái hậu là mụ điếm già; chửi công chúa Kiến Ninh là con đượi non; chửi thượng thiện thái giám Hải lão công là Hải lão con rùa. Hắn luôn luôn đem tất cả những người phụ nữ khác, từ công chúa, quận chúa đến thứ dân so sánh với các kỹ nữ trong Lệ Xuân Viện thành Dương Châu. Sang Vân Nam, hắn chửi Bình Tây vương Ngô Tam Quế là đại hán gian; chửi Ngô Ứng Hùng - con Ngô Tam Quế là tiểu hán gian. Hắn chửi hay đến nỗi hai vị sư phụ của hắn là Khang Hy, hoàng đế Thanh triều và Trần Cận Nam, tổng đà chúa của Thiên Địa hội chống Thanh triều đều học theo hắn mà chửi. Họ chửi thái hậu giả là mụ điếm già. Và do thù mụ điếm già mà Khang Hy đem con đượi non Kiến Ninh công chúa (trên danh nghĩa là em Khang Hy) gả cho tiểu hán gian Ngô Ứng Hùng.
Ngay trên bàn đàm phán, đang làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Thanh triều, hắn cũng chửi Phí Diêu Đa La Quả La Văn (Feodore Golovin), đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nga La Tư (La Sát). Gặp Kim Dung viết: “Con mẹ quân chó đẻ! Ta nguyền rủa tổ tôn mười tám đời bọn quỷ La Sát các ngươi”. Thốt xong câu đó, hắn chửi Phí Diêu Đa La ào ạt. Kim Dung viết: “Rồi tiếp đến những lời thô tục tuôn ra như nước chảy, thao thao bất tuyệt. Hắn chửi cao tổ mẫu, tằng tổ mẫu, rồi đến tổ mẫu, mẫu thân, tỷ muội, bà ngoại, a di, cô mẫu nhà Phí Diêu Đa La. Hắn chửi tưới hột sen, chửi vung xích chó. Bao nhiêu đàn bà người họ Phí của nước La Sát hắn chửi tuốt, không chừa một ai”.
Hắn chửi bằng thổ ngữ đất Dương Châu (tỉnh Triết Giang); bọn thuộc hạ của hắn là người Trung Quốc nghe mà vẫn không hiểu công tước chửi cái gì. Ấy bởi vì họ nói tiếng Quan thoại. Chửi như thế thì bảo làm sao đại sứ Sa hoàng Nga có thể nghe ra được. Thật ra, Phí Diêu Đa La không phải họ Phí mà là họ Quả La Văn. Tuy nhiên, hắn cứ đè họ Phí mà chửi vì hắn dốt nát, đâu biết được người Nga cái tên đặt ở trước cái họ.
Lịch sử chiến tranh Trung Quốc cho biết người Trung Quốc thường dùng những tên to con, tốt tướng, miệng rộng, giọng to làm mạ thủ. Mạ thủ có nhiệm vụ ở truồng, đến trước thành bên địch mà chửi để khiêu khích tướng địch mở cửa thành ra đánh. Vi Tiểu Bảo bắt được một số hàng binh Nga, cũng buộc họ làm mạ thủ chửi tướng Đồ Nhĩ Bố Thanh (Tolbusin) mở cửa thành Nhã Tát Khắc (Nertohinsky) ra đánh nhau. Tuy nhiên, hắn thất vọng vì ngôn ngữ chửi của bọn lính Nga quá tầm thường, quanh đi quẩn lại chỉ là ngươi là con heo, ngươi là đồ chó. Hắn phải công nhận chỉ có người Trung Quốc chửi mới có ca có kệ, có vần có điệu và ngôn ngữ cực kỳ phong phú.
Trong 12 bộ tiểu thuyết và 3 đoản thiên của Kim Dung tràn đầy tiếng chửi bới. Tuy nhiên, những tiếng chửi bới này đặt vào đúng những văn cảnh, những tình huống, phù hợp với cách của từng nhân vật nên khi đọc, người đọc cảm thấy vui. Kim Dung không làm dơ văn chương của mình và cũng không muốn văng tục vào cuộc đời. Nghiêm Gia Viêm, giáo sư trường Đại học Bắc Kinh nhận định: “Kim Dung đã đưa tiểu thuyết võ hiệp lên ngang hàng với văn học cung đình”.
Phải thẩm thấu văn hóa mới cảm được văn hóa chửi
Theo tôi, chửi cũng là một nét văn hóa trong văn hóa nhân loại, nhưng chỉ khi ta thẩm thấu một cách kỹ lưỡng nền văn hóa ấy, ngôn ngữ ấy, thì ta mới cảm nhận hết cái "văn hóa chửi" nó "siêu nhiên" tới mức độ nào. Cứ thử đọc Tư cách mõ của cụ Nam Cao mà xem, xem cái câu chửi "mẹ kiếp" nó vừa lăng mạ, nó vừa chửi thề, mà nó cũng lại nói lên xúc cảm của người chửi và của cả người nghe chửi như thế nào: "- Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo: Tham như mõ...". Đọc Chí Phèo ta sướng bởi cái chửi của hắn, một cái chửi làm cho ta nhập hồn vào trong "văn hóa chửi" hay trong "văn học chửi". Nam Cao đã cho Chí Phèo thay tác giả chửi thả sức, chửi hết cỡ mà ai nghe cũng thích, cũng tưởng "thằng Chí Phèo nó chừa mình ra". "Bắt đầu là hắn chửi trời, rồi hắn chửi đời... rồi hắn chửi luôn cả cái làng Vũ Đại, nhưng cũng chẳng ai "bắt nhời"…".
Có nhiều cách chửi: Chửi thẳng, chửi mạt sát, chửi bới, chửi xéo, chửi móc, chửi tục, chửi leo, chửi trèo, chửi ví, chửi rủa... Mỗi kiểu chửi đều mang một xúc cảm khác nhau và đều mang lại một sự cân bằng tâm sinh lý nhất định. Không thể không nói đến "văn hóa chửi" và cũng không thể phủ định "văn hóa chửi". Chúng ta hãy chờ xem chuyên mục hấp dẫn này đưa chúng ta đến "biết chửi", "biết nghe chửi" và "cảm nhận chửi" như thế nào.
- Tôi không tán thành việc chửi thề, dù sao thì nói những lời ngọt ngào với nhau vẫn dễ nghe hơn. Cho dù đối phương có sai trái, nhưng nếu mình biết cách nói cho họ cảm thấy dễ chịu, cảm thấy bị thuyết phục thì mình vẫn thành công. Còn hơn là mình cứ ào ào buộc tội họ bằng những lời khó nghe, thì người ta có sai cũng không chịu thừa nhận là mình sai. Hơn nữa những lời nói trong cơn giận dữ của mình chưa chắc đã đúng. Tôi nghĩ việc gì cũng vậy, cần bình tĩnh và nói chuyện có văn hóa thì vấn đề mới được giải quyết, chứ chửi thề thì nên hạn chế tối đa.
Câu truyện về nói móc
Hồi còn bé, gã đã cảm thấy say mê và thích thú khi đọc câu chuyện, cũng như khi xem cuốn phim về Đavít và Goliát. Theo Kinh Thánh, lúc bấy giờ người Do Thái và quân Philitinh đang dàn trận đánh nhau. Bên quân Philitinh có Goliát, là một tên khổng lồ. Hắn cao 3 thước, đầu đội mũ chiến bằng đồng, mình mặc áo giáp vảy cá và nặng 50 ký. Chân mang tấm che bằng đồng, vai đeo cây lao cũng bằng đồng. Cán giáo của hắn như trục khung cửi thợ dệt, còn mũi giáo của hắn được làm bằng sắt và nặng 6 ký. Trong khi đó, Đavít chỉ là một cậu bé chăn chiên, trong túi có mấy hòn đá cuội nhặt được ở dưới suối, còn tay thì chỉ cầm một sợi dây bắn đá.
Sáng nào cũng thế, Goliát đều đến trước doanh trại của nguời Do Thái mà khích bác:
- Sao chúng bay không xông ra trận? Hãy chọn lấy một người và nó hãy xuống đây với ta. Nếu nó đủ sức mạnh để chiến đấu với ta và hạ đuợc ta, thì chúng tao sẽ làm nô lệ cho chúng bay. Còn nếu ta mạnh hơn nó và hạ được nó, thì chúng bay sẽ làm nô lệ và hầu hạ chúng tao.
Vua Saun và toàn thể dân Israel nghe những lời ấy, thì kinh khiếp và sợ hãi lắm. Thế nhưng, Đavít liền nói với nhà vua:
- Xin đừng ai ngã lòng vì hắn ta. Tôi tớ ngài đây sẽ đi chiến đấu với tên Philitinh ấy.
Đồng thời, Đavít đã trấn an nhà vua:
- Tôi tớ ngài là người chăn chiên chăn dê cho cha. Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy gia súc, thì con đuổi theo nó, đánh nó và giật con vật khỏi mõm nó. Nó mà chồm lên con, thì con nắm lấy râu nó và đánh cho nó chết. Tôi tớ ngài đã đánh cả sư tử lẫn gấu, thì tên Philitinh không cắt bì này cũng sẽ là như một trong các con vật đó, vì nó đã thách thức các hàng ngũ của Thiên Chúa hằng sống…
Nhà vua liền nói với Đavít:
- Con hãy đi và xin Đức Chúa ở với con.
Khi nhìn thấy Đavít, tên Philitinh liền tỏ vẻ khinh dể và đã nói với cậu:
- Tao là chó hay sao mà mày cầm gậy đến với tao… Tới đây với tao, tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú.
Đavít bảo tên Philitinh rằng:
- Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Israel mà mày thách thức. Ngay hôm nay, Đức Chúa sẽ nộp mày vào tay tao, tao sẽ hạ mày và làm cho đầu mày lìa khỏi thân. Ngay hôm nay, tao sẽ đem xác chết của quân đội Philitinh làm mồi cho chim trời và dã thú. Toàn cõi đất sẽ biết rằng có một Thiên Chúa che chở Israel…
Khi tên Philitinh bắt đầu xông lên và đến gần để đương đầu với Đavít, thì Đavít vội vàng chạy từ trận tuyến ra để đương đầu với tên Philitinh. Đavít thọc tay vào bị, lấy từ đó ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà ném trúng vào trán tên Philitinh. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến hắn ngã sấp mặt xuống đất. Thế là Đavít đã chiến thắng tên Philitinh chỉ nhờ một dây phóng và một viên đá cuội. Nhưng vì trong tay không có gươm, Đavít bèn chạy đến, đứng trên xác của tên Philitinh, lấy gươm của hắn, rút khỏi bao, kết liễu đời hắn và dùng gươm chặt đầu hắn.
Theo truyện “Tam quốc chí diễn nghĩa” do Tử Vi Lang dịch, thì vào cuối đời nhà Hán, Trung Hoa lục địa bị chia thành ba nuớc, làm nên cái thế chân vạc, đó là nuớc Thục ở phía tây do Lưu Bị cai quản, nước Ngô ở phía đông do Tôn Quyền cầm đầu và nước Nguỵ ở phía bắc do Tào Tháo thống lãnh. Chiến tranh và loạn lạc xảy ra trong khắp cả thiên hạ. Tuy nhiên, có điều gã cũng nhận thấy đó là truớc mỗi cuộc giao tranh, bên này thuờng khích bác bên kia, còn bên kia thì lại thường chửi bới bên này một cách thậm tệ. Giống như một lượng dầu được đổ thêm vào lửa, làm cho ngọn lửa bùng cháy lên, thì những lời khích bác và chửi bới ấy cũng đã làm cho binh lính của cả đôi bên hăng tiết vịt. Và thế là họ liền hùng hổ xông ra chiến trận, hăng say chém giết lẫn nhau.
Từ những sự việc kể trên, gã đi vào đề tài của mục chuyện phiếm hôm nay bàn về “nghệ thuật nói móc”. Hẳn rằng mọi nguời đều biết ngôn ngữ và tiếng nói là một thứ quà tặng, được Thượng Đế ưu ái trao ban cho con người, để họ dùng làm phương tiện mà liên hệ với nhau. Vì thế, chúng ta có thể xác quyết một cách mạnh mẽ: Nguời là một con vật có ngôn ngữ, có tiếng nói.
Dĩ nhiên, gã không phủ nhận nơi con vật cũng có một thứ ngôn ngữ, một thứ tiếng nói nào đó để diễn tả những ước muốn của chúng, nhưng dầu sao thì thứ ngôn ngữ và tiếng nói ấy, cứ tạm gọi là nhu thế, vẫn còn ở trong tình trạng ấu trĩ và đơn giản. Chỉ có ngôn ngữ và tiếng nói nơi con người mới thực sự liên tục phát triển và tiến tới một đẳng cấp, một trình độ nghệ thuật mà thôi.
Thế nhưng, tuỳ theo phương thức sử dụng, ngôn ngữ và tiếng nói có thể mang lấy tính cách xây dựng hay phá đổ. Thực vậy, có những lời nói chân thành, những lời nói an ủi và khích lệ đã tạo được một bầu khí hoà thuận, đã bắc được một nhịp cầu cảm thông, làm cho con nguời hiểu nhau, nhờ đó mà xích lại gần nhau hơn. Nhưng đồng thời cũng có những lời nói độc địa và cay đắng, những lời nói bỏ vạ và cáo gian, đã làm cho người khác bị thân bại danh liệt, khơi rộng thêm mối hận thù, vốn dĩ đã từng âm ỉ trong cõi lòng của con người.
Và theo thiển ý của gã, thì một trong những loại ngôn ngữ mang lại hậu quả tàn phá, đó là nói móc. Thực vậy, mở bất kỳ một cuốn tự điển Việt Nam ra để tra cứu, gã đều thấy phạm trù “nói” của nguời Việt Nam thật là phong phú. Chẳng hạn trong cuốn “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức, gã đếm đuợc cả thảy hơn 600 chữ đuợc ghép với chữ “nói”, từ “nói ấm ớ” đến “nói xiên nói xéo”… Quả là tuyệt vời! Vậy thế nào là nói móc? Tuỳ theo mức độ “đậm đặc” và ý đồ đen tối của người nói, gã ghi nhận đuợc nhiều cấp bậc nói móc khác nhau:
Đầu tiên là nói bóng nói gió, tức là nói một cách xa xôi để người ta hiểu ngầm, thường là với những lời hai ý. Tiếp đến là nói mát, tức là mỉa mai người ta một cách nhẹ nhàng cho thoả mãn nỗi tức giận của mình. Ai có tật thì giật mình.
Sau khi đã xơi qua những món khai vị, thì bây giờ mới tới món chính, gồm có: Nói kháy là nói với giọng điệu khiêu khích; nói móc là cố ý chọc tức, nói thế nào khiến cho người ta phải bực bội. Cũng trong phạm vi này, còn có nói xỏ, nói xóc, nghĩa là chọc cho nguời ta tức, nói cho người ta giận. Sau cùng, theo ngôn ngữ của nguời Hà Nội hôm nay, còn có nói đểu, nghĩa là nói với đầy ác ý cốt để cho người khác phải tức giận đã đành, mà còn bồi thêm một cú mỉa mai và khinh bỉ.
Theo một vài nhà “ngâm kíu”, thì nói móc là một thứ đặc sản của dân ta. Nó không phải chỉ là “tuyệt chiêu” của các bà các cô, mà nhiều lúc còn trở thành “độc chiêu” của giới mày râu nữa.
Thí dụ: Ta chẳng ưa gì một ông hàng xóm, nhưng lại không dám nói thẳng ra, và thế là ta bèn nói kháy, nói móc, khiến cho ông bạn tức như bị bò đá mà vẫn cứ phải nín khe. Ông bạn càng bực, càng tức, thì ta lại càng hả hê, khoái cái miệng và sướng cả cõi lòng.
Thí dụ nữa: Một đứa bé học trò nghịch ngợm trong lớp, bị ông thầy đánh cho ba roi. Trong khi ông thầy quất cái roi xuống, đứa bé theo phản xạ tự nhiên bèn đưa tay ra đỡ. Chẳng may cái roi đụng phải cái móng tay đứa bé và làm cho nó chảy máu. Đứa bé nước mắt lưng tròng chạy về nhà kể lể và tả oán với bố nó. Ông bố cáu tiết bèn làm một màn nói móc và chửi đổng. Ông ta vừa chạy dọc theo con đuờng duy nhất trong làng, vừa quát tháo ầm ĩ:
- Tiên sư bố nó! Nó không đẻ, nó không đau, nó dám đánh con người ta như thế kia à. Tiên sư bố nó!
Thậm chí ngay cả quí vị con nít cũng học đòi bắt chước người lớn mà nói móc, nói kháy. Thí dụ: Tí đến nhà Tèo chơi. Vì đang học đàn, nên Tèo hí hửng lấy cây guitar và gảy biểu diễn mấy bài liền, sau đó quay sang hỏi Tí:
- Bạn thấy bài nào hợp với mình nhất?
Suy nghĩ một lát, Tí lắc đầu và nói:
- Trong số những bài này, thì mình không biết, nhung mình biết có một bài rất hợp với bạn.
Tèo mừng húm:
- Bài nào vậy?
Tí tỏ vẻ bí mật, nói nhỏ vào tai Tèo:
- Bài “Đập vỡ cây đàn”.
Nói xong, Tí ôm bụng cười ngặt nghẽo, còn Tèo thì bực tức, muốn cho thằng bạn xỏ lá xơi mấy cú đấm vào mặt.
Như trên gã đã bảo: nói móc là một trong những cách thức mau chóng phá đổ tình nghĩa trong lãnh vực đời thường cũng như trong phạm vi cuộc sống gia đình. Nhất là khi người ta lại móc quá sâu và quá đậm thì thường để lại những hậu quả thảm khốc, khó mà lường nổi. Gã xin muợn đỡ một vài kinh nghiệm của tác giả Trần Triều trong bài “Bệnh kháy” đuợc đăng tải trên báo “Phụ Nữ Thứ Ba” số ra ngày 18.8.2009.
Truớc hết là trong lãnh vực đời thường.
Một tốp thanh niên đang ngồi uống bia trong quán, thì một tốp khác cũng vào và ngồi ở bàn bên cạnh. Tốp này nói với tốp kia:
- Chúng mày muốn uống bia thì phải gọi chúng tao bằng ông nội, không thì ăn đòn.
Một tên tốp kia hùng hổ tiến tới, nhung bất ngờ bị ngáng chân té lăn cù trên đất, khiến cho tốp này đều cười ồ lên. Thế là cả tốp kia đều rút lui có trật tự, nhung chỉ một lát sau liền trở lại quán với dao phay và mã tấu. Hỗn chiến xảy ra, khiến một em chết liền tại chỗ!!!
Tiếp đến là trong phạm vi cuộc sống gia đình.
Hai vợ chồng đang ngồi xem phim với nhau, đến đoạn nhân vật nam ngoại tình, chị vợ bèn phán:
- Cái thứ đàn ông mèo mả gà đồng, trăng hoa cho lắm. Một vợ thì nằm giường lèo, hai vợ thì nằm chèo queo, ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm.
Anh chồng nóng mặt vì anh thừa biết chị mượn nhân vật trong phim để “xoáy, nghiền, bóp” cái vết thương cũ của mình. Một năm truớc, anh đi theo công trình xây dựng xuống Kiên Giang, và ở đây anh đã léng phéng chút đỉnh với cô bán cà phê, nhưng đã giải quyết dứt điểm. Chuyện tuy đã qua, nhưng hễ có dịp là chị vợ lại “móc” cho một phát. Phim đến đoạn nhân vật nữ nổi cơn ghen, anh liền “tung đòn”:
- Cái thứ đàn bà mà ghen quá đáng như vậy, có ngày mất chồng luôn mà không hay. Thằng đàn ông đã bực lên rồi thì bỏ hết, bất chấp tất cả.
Từ chỗ đang cùng ngồi coi phim một cách đầm ấm, bỗng chốc cả hai vợ chồng quay ra hầm hè, cố tìm ra những từ, những cách nói khiến “đối phương” càng đau, thì mình càng “đã”. Từ chỗ mình mình, em em, bỗng chốc biến thành cái thứ này, cái thứ nọ…
Chuyện chưa kết thúc. Bực mình chị vùng vằng bỏ vào buồng, nhưng không quên quăng lại một câu:
- Coi cái phim này, khối thằng đàn ông sáng mắt ra, bồ bịch lăng nhăng thì cứ chuồng heo mà nằm.
Anh nổi điên:
- Nằm chuồng heo còn hơn nằm với con đàn bà điêu ngoa. Thật hết chịu nổi.
Chỉ vì mấy câu nói móc mà vợ chồng đang sống chung hoà bình, bỗng chuyển biến thành chiến tranh!
Một trường hợp tương tự khác. Anh tay trắng từ miệt vườn lên Saigon lập nghiệp, cưới đuợc chị là con gái một gia đình khá giả. Thế nhưng, mẹ ruột anh lại có tính hay “bòn”, mỗi lần lên thăm anh, đều xin một vài món lặt vặt trong nhà, mà bà cho rằng các con “thừa”, không dùng đến. Chị thì chỉ “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Còn anh thì lại chẳng quan tâm đến mấy chuyện vặt vãnh đó. Vấn đề là sau mỗi lần mẹ chồng ra về, chị lại móc:
- Tôi ghét nhất là mấy nguời đến đâu cũng góp góp nhặt nhặt. Đồ của người ta mà cứ nghĩ là không dùng đến, rồi năn nỉ ỉ ôi.
Anh nghe mà nổi nóng, vì có cảm giác mẹ mình bị xúc phạm:
- Cô muốn gì, thì cứ nói thẳng ra, chứ đừng bóng gió như thế.
Chị trêu ngươi:
- Tôi nói vu vơ vậy đó. Ai có tật thì giật mình chớ.
Anh lại càng tức điên lên, nhưng nếu mắng mỏ thì xoàng quá, phải móc lại mới được. Anh nhẹ nhàng bảo:
- Ừ, họ gom hết đồ của con trai về xài, còn hơn cái ngữ lén chồng, gom của nhà mình đưa về nhà mẹ. Mà nhà mẹ có khó khăn gì đâu, rặt một lũ lười lao động, chảy thây ra đó.
Đến lượt chị tức anh ách, nhưng đành phải nín thinh bỏ đi một mạch, bởi vì anh biết chị lén “tiếp tế” cho nhà ngoại từ lâu, nhưng làm thinh, vì nghĩ chuyện cũng chẳng đáng gì. Nhung khi bị vợ “nói đểu”, anh đã không dằn lòng được.
Một lần khác, anh tỏ ra hào hiệp cho người bạn thân vay tiền mua xe. Biết có “xin”, thì chị cũng chẳng “cho”, nên anh “tiền trảm hậu tấu”. Sau khi nghe anh “tấu”, thì điều thật lạ lùng, đó là chị không nổi giận mà lại tỏ ra dửng dưng, khinh khỉnh. Biết mình có lỗi, anh bấm bụng cho qua, coi như “kết thúc vụ án”. Vậy mà một lần chị bâng quơ nói với con:
- Con cố gắng lớn lên biết mở mắt ra một chút, chứ đừng có khôn nhà dại chợ nhé con.
Chỉ nghe câu nói đó, anh đã hất chiếc tivi bể tan, đập bẹp thêm chiếc quạt máy, rồi hầm hầm bỏ đi.
Kinh nghiệm cho thấy: Khi mâu thuẫn xảy ra, thà rằng hét toáng lên cho hả giận, hoá ra lại hay hơn là nhẹ nhàng “sửa lưng” nhau, bởi vì việc cãi vã to tiếng sẽ sớm đi vào lãng quên, còn nói móc hay nói kháy lại gây nên những vết thương lòng âm ỉ và dai dẳng. Những cặp vợ chồng xung đột trực tiếp, xem ra lại ở bền với nhau hon những cặp chơi trò nói móc và nói kháy. Nhiều khi cái “bệnh móc” này thấm sâu vào lục phủ ngũ tạng, đến nỗi một chuyện nhỏ cũng trở thành chuyện lớn. Chẳng hạn, anh chồng húp bát canh thấy mặn, thay vì nói thẳng, thì lại nói bóng nói gió:
- Canh hôm nay nhạt nhỉ?
Chị vợ bực vì bị chồng “nói đểu”, tức vì đã là vợ chồng với nhau nhưng lại không trao đổi thật lòng. Chuyện nhỏ mà bị móc sẽ hoá thành chuyện lớn. Và chuyện lớn mà bị móc thêm, sẽ dễ nổ tung như trái lựu đạn.
Một anh chồng đã tâm sự như sau: Hồi mới cưới, chúng tôi cũng đã từng cạnh khoé với nhau dữ lắm. Tôi quyết tâm sửa là vì sau mỗi lần nói móc, dù đạt được mục đích tức thời là làm cho vợ tức điên lên, nhưng sau đó ngẫm lại, thấy bản thân mình cứ hèn hèn sao ấy… Ngược lại, vợ bóng bóng gió gió, tôi cũng tức điên lên và ghét cay ghét đắng cái tật ấy. Từ đó, mỗi lần vợ mở miệng ra định móc, tôi liền cương quyết:
- Muốn nói gì thì nói thẳng, hoặc đừng nói gì cả.
Dần dần thói quen nói thẳng và nói thật được hình thành. Ngồi vào bàn ăn thấy thiếu tương ớt thì nói thẳng:
- Em ơi, còn thiếu tương ớt.
Chứ hồi còn mắc bệnh “móc”, thế nào tôi cũng nói:
- Hình như độ này em chăm làm đẹp quá, sợ mặt nổi mụn nên kiêng ăn tương ớt đó à?
Tóm lại, các cụ ta ngày xưa đã bảo: Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Hay như một câu danh ngôn cũng đã khuyên nhủ: Hãy ngoáy lưỡi bảy lần truớc khi nói, để mỗi lời chúng ta nói ra sẽ là một góp phần vào việc tạo nên một bầu khí hoà thuận và bắc đuợc một nhịp cầu cảm thông:
Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
- See more at: http://www.lamhong.org/2011/11/07/noi-moc/#sthash.l8lj3XeO.dpuf

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

CỔ LOA - KĨ THUẬT XÂY THÀNH CỦA NGUOI VIỆT CỔ



LỜI NÓI ĐẦU
Năm 1962, Cổ Loa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp nhà nước. Nó có đầy đủ các loại hình di tích: Đình, đền, chùa, am, miếu. Trong đó hàm chứa biết bao giá trị văn hoá của người Việt qua bao thế hệ.
Thời Hùng Vương, Cổ Loa là đất thuộc bộ lạc Tây Vu. Sau khi An Dương lên trị vì nước Âu Lạc. Cổ Loa trở thành kinh đô của nhà nước Âu Lạc (thế kỷ III TCN). Qua các giai đoạn lịch sử, Cổ Loa có rất nhiều tên như: Loa thành (thành ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, Ngô Quyền lên ngôi vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô của nước ta lần thứ hai. Có thể thấy, Cổ Loa đã giữ vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta.
Thành Cổ Loa là một di tích hiện vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”.
Do những đặc điểm kiến trúc đặc biệt và độc đáo, công trình được gọi là Cổ Loa. Tương truyền thành gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành chỉ còn có 3 vòng: thành Nội, thành Trung và thành Ngoại theo cách gọi của người Cổ Loa. Trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, thời Ngô Quyền.
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Cổ Loa nằm ờ vị trí khá đặc biệt, nó thuộc về phần “thượng đỉnh” của tam giác châu và gần như trên trục chính của tam giác châu sông Hồng, Cổ Loa là một khu đất đồi cao ráo nằm ở tả ngạn sông Thiếp. Sông Thiếp là một nhánh sông quan trọng của sông Hồng, nối liền sông Hồng với sông Cầu trong hệ thống sông Thái Bình. Là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng núi. Khu vực Cổ loa có những gờ, mộc hay con trạch, sống đất cao 11-13m, nằm cạnh những dãy đất thấp từ 5-6m, thường tạo nước, tạo thành những đầm hồ. Có khi là những khúc sông cũ hình móng ngựa của “tứ giác nước”: sông Cà Lồ (phía Bắc), sông Thiên Đức (phía Nam), sông Hồng (phía Tây), sông Cầu (phía Đông) và sông Thiếp chảy qua lũy thành Cổ Loa. Địa hình về phía tây bắc Cổ loa là đồi núi với Núi Sái, ở phía Nam là núi Tiêu Sơn – Phật Tích, Núi Chè, Long Khánh, Hồng Vân.
Về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi. Nó chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc bộ Việt Nam. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Qua sông Thiếp, thuyền bè ngược lên sông Hồng là đến vùng Bắc hay Tây Bắc của Bắc Bộ, nếu xuôi sông Hồng, sẽ ra đến biển, nếu đến vùng phía Đông Bắc bộ thì qua sông Cầu vào hệ thống sông Thái Bình đến sông Thương và sông Lục Nam.
Địa điểm Cổ Loa chính là đất Phong Khê, lúc đó là một vùng đồng bằng trù phú có xóm làng, dân cư đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và thủ công nghiệp. Việc dời đô từ Phong Châu về đây, đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân cư người Việt cổ, giai đoạn người Việt chuyển trung tâm quyền lực từ vùng Trung du bán sơn địa về định cư tại vùng đồng bằng, chứng tỏ một bước tiến lớn trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, dễ dàng đi lại bằng đường bộ hay bằng đường thủy. Trong nông nghiệp có bước tiến đáng kể về kỹ thuật trồng lúa nước, mức độ dân cư cũng đông đúc hơn.
Hiện tại, trên bản đồ hành chính, khu thành cũ của An Dương Vương nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành phía Bắc Hà Nội. Cổ Loa nằm giữa một vùng sông ngòi chằng chịt, phía Bắc có sông Cà Lồ, phía Nam có sông Đuống, còn sông Hoàng Giang (xưa là một chi lưu của sông Hồng) len lỏi quanh chân thành.
CẤU TRÚC THÀNH
Thành Cổ Loa theo tương truyền gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng hiện chỉ còn tồn tại 3 vòng thành. Sở dĩ tường thành cổ quái như vậy là vì người xưa đã biết tận dụng triệt để những gò đất tự nhiên, đắp nối chúng lại để làm tường thành. Vì vậy, nếu không am tường, những kẻ lạ  khi đột nhập vào thành sẽ như đi lạc vào một hệ thống mê cung. Vì lẽ đó, thành Cổ Loa được đánh giá là một khu quân sự hoàn hảo, vừa thuận lợi khi tấn công, vừa vững chắc khi phòng thủ.
Nhìn vào di tích thành Cổ Loa, ta thấy có ba vòng thành khép kín, đó là thành nội (Kiển thành), thành trung và thành ngoài.
+ Thành Nội hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6m-12m, chân rộng từ 20m-30m, chu vi 1.650m
+ Thành Trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, chu vi 6.500m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng.
+ Thành Ngoại không còn hình dáng rõ ràng, chu vi hơn 8.000m, cao trung bình 3m-4m (có chỗ tới hơn 8m).
Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành như một mê cung. Sông Hoàng được dùng làm hào thiên nhiên cho thành Ngoại ở về phía Tây Nam và Nam. Phần hào còn lại được đào sát chân tường thành từ gò Cột Cờ đến Đầm Cả. Con hào này nối với hào của thành Trung ở Đầm Cả và Xóm Mít, chảy qua cửa Cống Song nối với năm con lạch, vào vòng hào của thành Nội. Thuyền bè đi lại dễ dàng trên ba vòng hào để đến trú đậu ở Đầm Cả hoặc ra sông Hoàng và từ đó có thể tỏa đi khắp nơi. Dưới chân các lũy thành đều có hào nước để ngăn cản quân địch, đồng thời là đường giao thông thủy quan trọng nối liền các khu vực trong thành và cũng là con đường thoát ra khỏi thành khi có nguy hiểm. Có thể coi hệ thống thành hào của thành Cổ Loa như những chi lưu của sông Hoàng. Vào mùa nước, khi mực nước sông Hoàng dâng cao, các lòng hào đều đầy ắp nước. Với chiều rộng từ 20-30m, thuyền bè từ sông Hoàng có thể vào, ra thành một cách dễ dàng.
Trong cấu trúc chung của thành Cổ Loa còn có một yếu tố khác làm phong phú thêm tổng thể kiến trúc này. Đó là những gò đất dài hoặc tròn được đắp rải rác giữa các vòng thành hoặc nằm ngoài thành Ngoại, được dân chúng gọi là Đống Dân, Đống Chuông, Đống Bắn. Các ụ, lũy này được dùng làm công sự, có nhiệm vụ của những pháo đài tiền vệ, phối hợp với thành, hào trong việc bảo vệ và chiến đấu.
Các vòng tường thành Cổ Loa có các cửa khác nhau. Thành Nội chỉ mở một cửa quay về hướng nam, trông ra đình Cổ Loa. Thành Trung mở bốn cửa: cửa Nam, cửa Bắc, cửa Tây Bắc và cửa Tây Nam. Mỗi cửa có một miếu xây trên mặt tường thành - thờ quan coi cổng thành. Riêng cửa Nam, nơi hai vòng thành gặp nhau và có lẽ cũng là cửa chính được xây hai miếu ở hai bên. Thành Ngoại tuy dài và rộng nhưng cũng chỉ mở ba cửa: cửa Nam, cửa Bắc và cửa Tây Nam. Cả ba lớp thành được nối liền bằng một cửa lớn gọi là Loa Khẩu ở phía Đông Nam. Các cửa còn lại của 3 vòng thành cũng được bố trí rất khéo; không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành. Ngoài tám cửa thành trên, còn có hai cửa ra bằng đường thủy gọi là “cửa nước”. Cửa thứ nhất mở ra hướng đông, nơi nối các dòng chảy trong thành qua cống Cửa Song ra sông Hoàng. Cửa thứ hai dưới chân gò Cột Cờ.
Rải rác trong thành còn có một số địa danh khác có liên quan tới chức năng quân sự của thành như: dọc Đống Bắn-tương truyền là nơi luyện cung nỏ của quân đội, Ngự Xạ Đài-nơi An Dương Vương ngồi xem quân lính tập bắn cung nỏ, Vườn Thuyền-là nơi thuyền bè neo đậu chuẩn bị tập luyện thủy chiến, gò Cột Cờ là nơi treo lá cờ đại của Nhà nước Âu Lạc…
XÂY THÀNH
Thành Cổ Loa là một công trình quân sự vĩ đại và độc đáo nhất của cha ông ta buổi đầu thời kì dựng nước và giữ nước. Kết quả khai quật một phần tường thành ngoại cho thấy, để xây dựng được một thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh và sự quản lý kiểu nhà nước chặc chẽ. 
Khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng địa hình tự nhiên, tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài và thành giữa, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình tự nhiên tạo thành một vòng tường không có hình dạng cụ thể, do vậy khoảng cách giữa hai vòng thành không đều nhau. Càng về phía nam hai vòng càng gần nhau, cuối cùng được nối liền, chừa một khoảng trống làm cửa thành (cửa Trấn Nam) - lối vào chính.
Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè nhiều đá hơn các đoạn khác. Đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở tới từ các miền khác đến. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở.
Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong thoãi để ngoài đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4m-5m, có chỗ cao đến 8m-12m. Chân lũy rộng 20m-30m, mặt lũy rộng 6m-12m. “Khai quật cho thấy các lớp đất riêng biệt, từ đó có thể bước đầu đưa ra các giai đoạn đắp thành kỹ và đắp thêm thành”, TS Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ cho biết. Có tới 4 giai đoạn đắp thành lũy. Giai đoạn đầu đắp bằng lớp đất đỏ sẫm lẫn hạt sạn sỏi nhỏ, nền rất cứng. Giai đoạn hai đắp thêm bằng đất xám đen lẫn đất sét màu xám trắng. Giai đoạn ba đắp đất có lẫn mảnh ngói và cuối cùng đắp đất màu vàng sáng lẫn đất sét xám trắng. Việc đắp thêm lũy cũng được thực hiện 2 lần, nhằm gia cố.
Như vậy, gần 15.000m tường thành Cổ Loa có cùng một đặc điểm xây dựng là triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên, đắp vòng nối với nhau, tạo thành một hình xoáy trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Cách đắp này từ xưa đến nay chưa nơi nào có giống. Chính nhờ phương pháp đắp nối nên trong một thời gian rất ngắn, với nhân lực không đông, sử dụng công cụ bằng đồng, An Dương Vương Thục Phán đã xây dựng được một công trình đồ sộ hiếm thấy. Phương pháp đào hào của dân Âu Lạc cũng có tính sáng tạo đáng kể. Đất hào đắp lên tường vừa giải quyết vấn đề vật liệu, vừa tăng thêm một vòng chướng ngại. Người xưa đã đạt được thành công kép, giảm được phân nửa công sức và nhân đôi mức độ hiểm trở của tòa thành.
Riêng thành Nội, Theo giáo sư Đỗ Văn Ninh, vòng thành trong cùng (Kiển thành-thành nội) vẫn còn tồn tại, Sự thực, Kiển thành là do tướng Mã Viện của nhà Hán xây sau khi đánh thắng Hai bà Trưng. Về mặt kiến trúc, Kiển thành được đắp thành hình chữ nhật, chu vi 1.600m, mặt thành cao 10m. Thành chỉ mở một cửa ở chính giữa mặt tường phía nam và cũng có hào bao quanh. Đáng chú ý là thành có đắp 12 hồi (ụ đất) nhô ra ngoài rất cân xứng, mỗi mặt có bốn hồi.
Kiển thành (thanh nội) là thành hình con kén. Nhà sử học Đào Duy Anh cho rằng Kiển thành là nhân địa điểm cũ mà xây lên. Những phát hiện khảo cổ học cũng chứng minh điều đó. Vì địa thế vùng Phong Khê rất thuận lợi nên Mã Viện đã chọn Cổ Loa (nơi mà 300 năm trước đó, An Dương Vương đã định đô để đắp Loa Thành) làm trị sở, sửa sang hai bên vòng thành cũ của An Dương Vương làm “vỏ kén”, đồng thời đắp Kiển thành làm “con nhộng” của mình.
Như vậy, trên đất nước Âu Lạc, đã có một kinh thành Cổ Loa xây dựng vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên và một Kiển thành, trị sở huyện Phong Khê, xây vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.

ĐÁNH GIÁ
Về mặt quân sự, thành Cổ Loa không chỉ vĩ đại về mặt quy mô, Loa Thành còn thể hiện sự sáng tạo, tri thức quân sự hết sức độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh, khi tác chiến.
Cuốn Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam có ghi lại, Cổ Loa là một công trình phòng vệ kiên cố trong điều kiện chưa có hỏa khí bắn xa. Nếu như kẻ địch tấn công từ bên ngoài vào, chúng sẽ gặp phải đòn đánh phủ đầu từ những lũy tiền vệ bên ngoài. Qua lũy tiền vệ này, để tiến vào tới đường thành còn phải vượt qua một khoảng trống lớn. Với tầm bắn của cung nỏ cứng, quân đứng trên tường thành Ngoại có thể ngăn chặn được bước tiến của kẻ thù. Một khi vượt qua được khoảng trống đó, trước mặt kẻ tấn công là hệ thống ngoại hào rộng từ 20-30m. Không thể dễ dàng vượt qua được hào nước này, một khi quân trên mặt tường thành bắn xuống, thủy quân với những thuyền nhỏ phục sẵn sẽ lao ra sẵn sàng phối hợp tác chiến. Nếu vượt qua được ngoại hào thì trước mặt chúng là tường thành Ngoại kiên cố, cao từ 8-10m. Vượt qua được thành Ngoại để vào được nơi vua và hoàng tộc ở, kẻ địch còn phải vượt qua hai lớp hào và thành nữa. Đó là chưa kể đến những trận địa được bố trí ở giữa hai lớp thành.
Không chỉ là một căn cứ bộ binh hiểm yếu, Cổ Loa còn là một căn cứ thủy quân lợi hại. Sông Hoàng-ngoại hào thiên nhiên của Cổ Loa, đầu trên nối với sông Hồng, đoạn dưới nối với sông Cầu, qua cửa Lục Đầu ở Phả Lại, có thể đi thẳng ra biển. Nước của hai con sông lớn nhất trên châu thổ đã qua sông Hoàng, đổ vào hệ thống rồi chảy ra Đầm Cả mênh mông ở góc đông bắc thành. Diện tích mặt đầm có thể chứa hàng trăm thuyền bè. Với một hệ thống đường thủy được thiết kế tài tình như vậy, thuyền chiến có thể đi lại khắp nơi trong thành và khi cần, những đạo quân trong thành có thể dễ dàng ra khỏi thành bằng tiếp cứu cho thành nếu bị vây hãm.
Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa của xã hội thời ấy. Thời kỳ này, vua quan không những đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ, xã hội đã có giai cấp rõ ràng hơn thời Vua Hùng. Để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh cùng sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa đáng kể. Ngoài ra, những yêu cầu cao về lao động, xây dựng cũng cho thấy mật độ dân số cao. Dân số lớn tại thành Cổ Loa là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nó bắt nguồn và cũng đem lại tiềm năng nông nghiệp trồng lúa lớn ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Về mặt văn hóa, là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ. Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa mai chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo, tất cả làm nên nghệ thuật kiến trúc và văn hóa thời An Dương Vương.
KẾT LUẬN
Cổ Loa, một công trình phòng thủ vĩ đại, không chỉ tồn tại trong niềm tự hào của nhân dân Cổ Loa, trong truyền thuyết mà còn được ghi lại trong rất nhiều bộ sử của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc như Hậu Hán thư, Nam Việt chí, Thủy kinh chú, Tùy thư, An Nam chí lược, Việt kiệu thư, An Nam chí nguyên. Ở Việt Nam, các bộ sách Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Dư địa chí, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí,… đều nói tới tòa thành do An Dương Vương xây dựng ở Cổ Loa.
Một trong những sáng tạo tuyệt vời của thiết kế thành là, biết tận dụng triệt để các gò đất cao tự nhiên đắp nối liền chúng lại với nhau tạo nên những vòng thành khép kín, nhờ vậy đã tiết kiệm được rất nhiều sức lao động của con người và tiền của. Cũng chính vì vậy, mà thành Trung và thành Ngoại uốn lượn tự do không có hình dáng cân xứng và chặt chẽ. Yêu cầu về cái đẹp đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, mối quan tâm hàng đầu là tính chất kiên cố của một công trình quân sự.
Kho tàng truyền thuyết về Cổ Loa cho thấy công cuộc xây dựng thành vô cùng gian khó. Nguyên nhân là do thành xây trên vùng đất nhiều ao hồ lầy thụt và thời điểm đó những cuộc xung đột bộ lạc vẫn chưa chấm dứt. Tuy vậy, nhờ kinh nghiệm và sức mạnh của các bộ lạc vùng thấp, An Dương Vương đã chinh phục được các lực lượng chống đối và áp dụng kinh nghiệm chống lầy thụt của họ mới có thể thành công trong việc xây thành.
Với kiến trúc độc đáo và kỹ thuật xây dựng thành quách đặc biệt, Cổ Loa xứng đáng là một công trình quân sự đồ sộ, một kỳ công lao động, một sự hội tụ tài trí và thể hiện lòng yêu nước thiết tha của dân tộc trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Thành Cổ Loa là một công trình quân sự vĩ đại và độc đáo nhất của cha ông ta buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Hiện nay Cổ Loa là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam và vào ngày 6/1/2013 âm lịch cổ loa đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Trải qua nhiều triều đại, nhiều thế kỷ với bao thăng trầm lịch sử, đến ngày nay các công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa để tồn tại, một số còn giữ được cốt cách nguyên sơ song cũng có nhiều công trình bị pha tạp do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Tuy nhiên, những công trình này vẫn là dấu tích cụ thể ghi lại chặng đường sáng tạo và lao động nghệ thuật, mang dấu ấn lịch sử dân tộc rất rõ nét.
Loa Thành là di sản văn hóa, là bằng chứng về sự sáng tạo và trình độ của người Việt lúc bấy giờ. Đối với người dân nơi đây, ngày nay Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.
Dân gian có câu:
“Thứ nhất lễ hội Cổ Loa, Thứ hai hội Gióng, thứ ba hội Chèm”.