Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

CỔ LOA - KĨ THUẬT XÂY THÀNH CỦA NGUOI VIỆT CỔ



LỜI NÓI ĐẦU
Năm 1962, Cổ Loa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp nhà nước. Nó có đầy đủ các loại hình di tích: Đình, đền, chùa, am, miếu. Trong đó hàm chứa biết bao giá trị văn hoá của người Việt qua bao thế hệ.
Thời Hùng Vương, Cổ Loa là đất thuộc bộ lạc Tây Vu. Sau khi An Dương lên trị vì nước Âu Lạc. Cổ Loa trở thành kinh đô của nhà nước Âu Lạc (thế kỷ III TCN). Qua các giai đoạn lịch sử, Cổ Loa có rất nhiều tên như: Loa thành (thành ốc), thành Côn Lôn, thành Tư Long, Cửu thành, Thành Việt Vương, thành Khả Lũ, Cổ Loa thành. Đến thế kỷ thứ X, Ngô Quyền lên ngôi vua, Cổ Loa lại trở thành kinh đô của nước ta lần thứ hai. Có thể thấy, Cổ Loa đã giữ vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta.
Thành Cổ Loa là một di tích hiện vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”.
Do những đặc điểm kiến trúc đặc biệt và độc đáo, công trình được gọi là Cổ Loa. Tương truyền thành gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành chỉ còn có 3 vòng: thành Nội, thành Trung và thành Ngoại theo cách gọi của người Cổ Loa. Trong đó vòng thành nội rất có thể được làm về sau, thời Ngô Quyền.
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Cổ Loa nằm ờ vị trí khá đặc biệt, nó thuộc về phần “thượng đỉnh” của tam giác châu và gần như trên trục chính của tam giác châu sông Hồng, Cổ Loa là một khu đất đồi cao ráo nằm ở tả ngạn sông Thiếp. Sông Thiếp là một nhánh sông quan trọng của sông Hồng, nối liền sông Hồng với sông Cầu trong hệ thống sông Thái Bình. Là nơi giao lưu quan trọng của đường thủy và đường bộ. Từ đây có thể kiểm soát được cả vùng đồng bằng lẫn vùng núi. Khu vực Cổ loa có những gờ, mộc hay con trạch, sống đất cao 11-13m, nằm cạnh những dãy đất thấp từ 5-6m, thường tạo nước, tạo thành những đầm hồ. Có khi là những khúc sông cũ hình móng ngựa của “tứ giác nước”: sông Cà Lồ (phía Bắc), sông Thiên Đức (phía Nam), sông Hồng (phía Tây), sông Cầu (phía Đông) và sông Thiếp chảy qua lũy thành Cổ Loa. Địa hình về phía tây bắc Cổ loa là đồi núi với Núi Sái, ở phía Nam là núi Tiêu Sơn – Phật Tích, Núi Chè, Long Khánh, Hồng Vân.
Về phương diện giao thông đường thủy, Cổ Loa có một vị trí vô cùng thuận lợi. Nó chi phối toàn bộ hệ thống đường thủy tại Bắc bộ Việt Nam. Đó là vị trí nối liền mạng lưới đường thủy của sông Hồng cùng với mạng lưới đường thủy của sông Thái Bình. Qua sông Thiếp, thuyền bè ngược lên sông Hồng là đến vùng Bắc hay Tây Bắc của Bắc Bộ, nếu xuôi sông Hồng, sẽ ra đến biển, nếu đến vùng phía Đông Bắc bộ thì qua sông Cầu vào hệ thống sông Thái Bình đến sông Thương và sông Lục Nam.
Địa điểm Cổ Loa chính là đất Phong Khê, lúc đó là một vùng đồng bằng trù phú có xóm làng, dân cư đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và thủ công nghiệp. Việc dời đô từ Phong Châu về đây, đánh dấu một giai đoạn phát triển của dân cư người Việt cổ, giai đoạn người Việt chuyển trung tâm quyền lực từ vùng Trung du bán sơn địa về định cư tại vùng đồng bằng, chứng tỏ một bước tiến lớn trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, dễ dàng đi lại bằng đường bộ hay bằng đường thủy. Trong nông nghiệp có bước tiến đáng kể về kỹ thuật trồng lúa nước, mức độ dân cư cũng đông đúc hơn.
Hiện tại, trên bản đồ hành chính, khu thành cũ của An Dương Vương nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành phía Bắc Hà Nội. Cổ Loa nằm giữa một vùng sông ngòi chằng chịt, phía Bắc có sông Cà Lồ, phía Nam có sông Đuống, còn sông Hoàng Giang (xưa là một chi lưu của sông Hồng) len lỏi quanh chân thành.
CẤU TRÚC THÀNH
Thành Cổ Loa theo tương truyền gồm 9 vòng xoáy trôn ốc, nhưng hiện chỉ còn tồn tại 3 vòng thành. Sở dĩ tường thành cổ quái như vậy là vì người xưa đã biết tận dụng triệt để những gò đất tự nhiên, đắp nối chúng lại để làm tường thành. Vì vậy, nếu không am tường, những kẻ lạ  khi đột nhập vào thành sẽ như đi lạc vào một hệ thống mê cung. Vì lẽ đó, thành Cổ Loa được đánh giá là một khu quân sự hoàn hảo, vừa thuận lợi khi tấn công, vừa vững chắc khi phòng thủ.
Nhìn vào di tích thành Cổ Loa, ta thấy có ba vòng thành khép kín, đó là thành nội (Kiển thành), thành trung và thành ngoài.
+ Thành Nội hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6m-12m, chân rộng từ 20m-30m, chu vi 1.650m
+ Thành Trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, chu vi 6.500m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng.
+ Thành Ngoại không còn hình dáng rõ ràng, chu vi hơn 8.000m, cao trung bình 3m-4m (có chỗ tới hơn 8m).
Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng. Sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành như một mê cung. Sông Hoàng được dùng làm hào thiên nhiên cho thành Ngoại ở về phía Tây Nam và Nam. Phần hào còn lại được đào sát chân tường thành từ gò Cột Cờ đến Đầm Cả. Con hào này nối với hào của thành Trung ở Đầm Cả và Xóm Mít, chảy qua cửa Cống Song nối với năm con lạch, vào vòng hào của thành Nội. Thuyền bè đi lại dễ dàng trên ba vòng hào để đến trú đậu ở Đầm Cả hoặc ra sông Hoàng và từ đó có thể tỏa đi khắp nơi. Dưới chân các lũy thành đều có hào nước để ngăn cản quân địch, đồng thời là đường giao thông thủy quan trọng nối liền các khu vực trong thành và cũng là con đường thoát ra khỏi thành khi có nguy hiểm. Có thể coi hệ thống thành hào của thành Cổ Loa như những chi lưu của sông Hoàng. Vào mùa nước, khi mực nước sông Hoàng dâng cao, các lòng hào đều đầy ắp nước. Với chiều rộng từ 20-30m, thuyền bè từ sông Hoàng có thể vào, ra thành một cách dễ dàng.
Trong cấu trúc chung của thành Cổ Loa còn có một yếu tố khác làm phong phú thêm tổng thể kiến trúc này. Đó là những gò đất dài hoặc tròn được đắp rải rác giữa các vòng thành hoặc nằm ngoài thành Ngoại, được dân chúng gọi là Đống Dân, Đống Chuông, Đống Bắn. Các ụ, lũy này được dùng làm công sự, có nhiệm vụ của những pháo đài tiền vệ, phối hợp với thành, hào trong việc bảo vệ và chiến đấu.
Các vòng tường thành Cổ Loa có các cửa khác nhau. Thành Nội chỉ mở một cửa quay về hướng nam, trông ra đình Cổ Loa. Thành Trung mở bốn cửa: cửa Nam, cửa Bắc, cửa Tây Bắc và cửa Tây Nam. Mỗi cửa có một miếu xây trên mặt tường thành - thờ quan coi cổng thành. Riêng cửa Nam, nơi hai vòng thành gặp nhau và có lẽ cũng là cửa chính được xây hai miếu ở hai bên. Thành Ngoại tuy dài và rộng nhưng cũng chỉ mở ba cửa: cửa Nam, cửa Bắc và cửa Tây Nam. Cả ba lớp thành được nối liền bằng một cửa lớn gọi là Loa Khẩu ở phía Đông Nam. Các cửa còn lại của 3 vòng thành cũng được bố trí rất khéo; không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành. Ngoài tám cửa thành trên, còn có hai cửa ra bằng đường thủy gọi là “cửa nước”. Cửa thứ nhất mở ra hướng đông, nơi nối các dòng chảy trong thành qua cống Cửa Song ra sông Hoàng. Cửa thứ hai dưới chân gò Cột Cờ.
Rải rác trong thành còn có một số địa danh khác có liên quan tới chức năng quân sự của thành như: dọc Đống Bắn-tương truyền là nơi luyện cung nỏ của quân đội, Ngự Xạ Đài-nơi An Dương Vương ngồi xem quân lính tập bắn cung nỏ, Vườn Thuyền-là nơi thuyền bè neo đậu chuẩn bị tập luyện thủy chiến, gò Cột Cờ là nơi treo lá cờ đại của Nhà nước Âu Lạc…
XÂY THÀNH
Thành Cổ Loa là một công trình quân sự vĩ đại và độc đáo nhất của cha ông ta buổi đầu thời kì dựng nước và giữ nước. Kết quả khai quật một phần tường thành ngoại cho thấy, để xây dựng được một thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh và sự quản lý kiểu nhà nước chặc chẽ. 
Khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng địa hình tự nhiên, tận dụng chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài và thành giữa, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình tự nhiên tạo thành một vòng tường không có hình dạng cụ thể, do vậy khoảng cách giữa hai vòng thành không đều nhau. Càng về phía nam hai vòng càng gần nhau, cuối cùng được nối liền, chừa một khoảng trống làm cửa thành (cửa Trấn Nam) - lối vào chính.
Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Đá được dùng để kè cho chân thành được vững chắc. Các đoạn thành ven sông, ven đầm được kè nhiều đá hơn các đoạn khác. Đá kè là loại đá tảng lớn và đá cuội được chở tới từ các miền khác đến. Xen giữa đám đất đá là những lớp gốm được rải dày mỏng khác nhau, nhiều nhất là ở chân thành và rìa thành để chống sụt lở.
Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong thoãi để ngoài đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4m-5m, có chỗ cao đến 8m-12m. Chân lũy rộng 20m-30m, mặt lũy rộng 6m-12m. “Khai quật cho thấy các lớp đất riêng biệt, từ đó có thể bước đầu đưa ra các giai đoạn đắp thành kỹ và đắp thêm thành”, TS Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ cho biết. Có tới 4 giai đoạn đắp thành lũy. Giai đoạn đầu đắp bằng lớp đất đỏ sẫm lẫn hạt sạn sỏi nhỏ, nền rất cứng. Giai đoạn hai đắp thêm bằng đất xám đen lẫn đất sét màu xám trắng. Giai đoạn ba đắp đất có lẫn mảnh ngói và cuối cùng đắp đất màu vàng sáng lẫn đất sét xám trắng. Việc đắp thêm lũy cũng được thực hiện 2 lần, nhằm gia cố.
Như vậy, gần 15.000m tường thành Cổ Loa có cùng một đặc điểm xây dựng là triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên, đắp vòng nối với nhau, tạo thành một hình xoáy trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Cách đắp này từ xưa đến nay chưa nơi nào có giống. Chính nhờ phương pháp đắp nối nên trong một thời gian rất ngắn, với nhân lực không đông, sử dụng công cụ bằng đồng, An Dương Vương Thục Phán đã xây dựng được một công trình đồ sộ hiếm thấy. Phương pháp đào hào của dân Âu Lạc cũng có tính sáng tạo đáng kể. Đất hào đắp lên tường vừa giải quyết vấn đề vật liệu, vừa tăng thêm một vòng chướng ngại. Người xưa đã đạt được thành công kép, giảm được phân nửa công sức và nhân đôi mức độ hiểm trở của tòa thành.
Riêng thành Nội, Theo giáo sư Đỗ Văn Ninh, vòng thành trong cùng (Kiển thành-thành nội) vẫn còn tồn tại, Sự thực, Kiển thành là do tướng Mã Viện của nhà Hán xây sau khi đánh thắng Hai bà Trưng. Về mặt kiến trúc, Kiển thành được đắp thành hình chữ nhật, chu vi 1.600m, mặt thành cao 10m. Thành chỉ mở một cửa ở chính giữa mặt tường phía nam và cũng có hào bao quanh. Đáng chú ý là thành có đắp 12 hồi (ụ đất) nhô ra ngoài rất cân xứng, mỗi mặt có bốn hồi.
Kiển thành (thanh nội) là thành hình con kén. Nhà sử học Đào Duy Anh cho rằng Kiển thành là nhân địa điểm cũ mà xây lên. Những phát hiện khảo cổ học cũng chứng minh điều đó. Vì địa thế vùng Phong Khê rất thuận lợi nên Mã Viện đã chọn Cổ Loa (nơi mà 300 năm trước đó, An Dương Vương đã định đô để đắp Loa Thành) làm trị sở, sửa sang hai bên vòng thành cũ của An Dương Vương làm “vỏ kén”, đồng thời đắp Kiển thành làm “con nhộng” của mình.
Như vậy, trên đất nước Âu Lạc, đã có một kinh thành Cổ Loa xây dựng vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên và một Kiển thành, trị sở huyện Phong Khê, xây vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên.

ĐÁNH GIÁ
Về mặt quân sự, thành Cổ Loa không chỉ vĩ đại về mặt quy mô, Loa Thành còn thể hiện sự sáng tạo, tri thức quân sự hết sức độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Với các bức thành kiên cố, với hào sâu rộng cùng các ụ, lũy, Cổ Loa là một căn cứ phòng thủ vững chắc để bảo vệ nhà vua, triều đình và kinh đô. Đồng thời là một căn cứ kết hợp hài hòa thủy binh cùng bộ binh, khi tác chiến.
Cuốn Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam có ghi lại, Cổ Loa là một công trình phòng vệ kiên cố trong điều kiện chưa có hỏa khí bắn xa. Nếu như kẻ địch tấn công từ bên ngoài vào, chúng sẽ gặp phải đòn đánh phủ đầu từ những lũy tiền vệ bên ngoài. Qua lũy tiền vệ này, để tiến vào tới đường thành còn phải vượt qua một khoảng trống lớn. Với tầm bắn của cung nỏ cứng, quân đứng trên tường thành Ngoại có thể ngăn chặn được bước tiến của kẻ thù. Một khi vượt qua được khoảng trống đó, trước mặt kẻ tấn công là hệ thống ngoại hào rộng từ 20-30m. Không thể dễ dàng vượt qua được hào nước này, một khi quân trên mặt tường thành bắn xuống, thủy quân với những thuyền nhỏ phục sẵn sẽ lao ra sẵn sàng phối hợp tác chiến. Nếu vượt qua được ngoại hào thì trước mặt chúng là tường thành Ngoại kiên cố, cao từ 8-10m. Vượt qua được thành Ngoại để vào được nơi vua và hoàng tộc ở, kẻ địch còn phải vượt qua hai lớp hào và thành nữa. Đó là chưa kể đến những trận địa được bố trí ở giữa hai lớp thành.
Không chỉ là một căn cứ bộ binh hiểm yếu, Cổ Loa còn là một căn cứ thủy quân lợi hại. Sông Hoàng-ngoại hào thiên nhiên của Cổ Loa, đầu trên nối với sông Hồng, đoạn dưới nối với sông Cầu, qua cửa Lục Đầu ở Phả Lại, có thể đi thẳng ra biển. Nước của hai con sông lớn nhất trên châu thổ đã qua sông Hoàng, đổ vào hệ thống rồi chảy ra Đầm Cả mênh mông ở góc đông bắc thành. Diện tích mặt đầm có thể chứa hàng trăm thuyền bè. Với một hệ thống đường thủy được thiết kế tài tình như vậy, thuyền chiến có thể đi lại khắp nơi trong thành và khi cần, những đạo quân trong thành có thể dễ dàng ra khỏi thành bằng tiếp cứu cho thành nếu bị vây hãm.
Về mặt xã hội, với sự phân bố từng khu cư trú cho vua, quan, binh lính, thành Cổ Loa là một chứng cứ về sự phân hóa của xã hội thời ấy. Thời kỳ này, vua quan không những đã tách khỏi dân chúng mà còn phải được bảo vệ chặt chẽ, xã hội đã có giai cấp rõ ràng hơn thời Vua Hùng. Để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh cùng sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa đáng kể. Ngoài ra, những yêu cầu cao về lao động, xây dựng cũng cho thấy mật độ dân số cao. Dân số lớn tại thành Cổ Loa là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nó bắt nguồn và cũng đem lại tiềm năng nông nghiệp trồng lúa lớn ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Về mặt văn hóa, là một tòa thành cổ nhất còn để lại dấu tích, Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt Cổ. Đá kè chân thành, gốm rải rìa thành, hào nước quanh co, ụ lũy phức tạp, hỏa mai chắc chắn và nhất là địa hình hiểm trở ngoằn ngoèo, tất cả làm nên nghệ thuật kiến trúc và văn hóa thời An Dương Vương.
KẾT LUẬN
Cổ Loa, một công trình phòng thủ vĩ đại, không chỉ tồn tại trong niềm tự hào của nhân dân Cổ Loa, trong truyền thuyết mà còn được ghi lại trong rất nhiều bộ sử của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc như Hậu Hán thư, Nam Việt chí, Thủy kinh chú, Tùy thư, An Nam chí lược, Việt kiệu thư, An Nam chí nguyên. Ở Việt Nam, các bộ sách Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Dư địa chí, Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí,… đều nói tới tòa thành do An Dương Vương xây dựng ở Cổ Loa.
Một trong những sáng tạo tuyệt vời của thiết kế thành là, biết tận dụng triệt để các gò đất cao tự nhiên đắp nối liền chúng lại với nhau tạo nên những vòng thành khép kín, nhờ vậy đã tiết kiệm được rất nhiều sức lao động của con người và tiền của. Cũng chính vì vậy, mà thành Trung và thành Ngoại uốn lượn tự do không có hình dáng cân xứng và chặt chẽ. Yêu cầu về cái đẹp đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, mối quan tâm hàng đầu là tính chất kiên cố của một công trình quân sự.
Kho tàng truyền thuyết về Cổ Loa cho thấy công cuộc xây dựng thành vô cùng gian khó. Nguyên nhân là do thành xây trên vùng đất nhiều ao hồ lầy thụt và thời điểm đó những cuộc xung đột bộ lạc vẫn chưa chấm dứt. Tuy vậy, nhờ kinh nghiệm và sức mạnh của các bộ lạc vùng thấp, An Dương Vương đã chinh phục được các lực lượng chống đối và áp dụng kinh nghiệm chống lầy thụt của họ mới có thể thành công trong việc xây thành.
Với kiến trúc độc đáo và kỹ thuật xây dựng thành quách đặc biệt, Cổ Loa xứng đáng là một công trình quân sự đồ sộ, một kỳ công lao động, một sự hội tụ tài trí và thể hiện lòng yêu nước thiết tha của dân tộc trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Thành Cổ Loa là một công trình quân sự vĩ đại và độc đáo nhất của cha ông ta buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Hiện nay Cổ Loa là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam và vào ngày 6/1/2013 âm lịch cổ loa đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Trải qua nhiều triều đại, nhiều thế kỷ với bao thăng trầm lịch sử, đến ngày nay các công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa để tồn tại, một số còn giữ được cốt cách nguyên sơ song cũng có nhiều công trình bị pha tạp do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Tuy nhiên, những công trình này vẫn là dấu tích cụ thể ghi lại chặng đường sáng tạo và lao động nghệ thuật, mang dấu ấn lịch sử dân tộc rất rõ nét.
Loa Thành là di sản văn hóa, là bằng chứng về sự sáng tạo và trình độ của người Việt lúc bấy giờ. Đối với người dân nơi đây, ngày nay Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.
Dân gian có câu:
“Thứ nhất lễ hội Cổ Loa, Thứ hai hội Gióng, thứ ba hội Chèm”.  

1 nhận xét:

  1. The Casino of Las Vegas - MapYRO
    The Casino 여주 출장마사지 of Las Vegas. Casino of Las Vegas, 충청남도 출장샵 Nevada. Location: 3121 Las Vegas Blvd 충청남도 출장샵 S, Las Vegas, NV 89109. 구미 출장안마 Casino type: Casinos, Poker, Video Poker, 동두천 출장마사지 Blackjack.

    Trả lờiXóa